Tin tức thế giới tuần qua

tin-tuc-the-gioi-tuan-qua (1)

Nga và Síp bắt tay hợp tác quân sự, EU thêm chia rẽ

Nga đã đạt thỏa thuận quân sự theo đó tàu chiến nước này có thể dùng hải cảng của Síp, hiện thực hóa chiến lược tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu nhỏ bé.
  • Nga lấy lòng các nước nhỏ bằng đường ống khí đốt mới
150225225516-president-nicos-a-1996-9331

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Síp  Nicos Anastasiades hôm 25/2 bắt tay sau khi ký kết một số thỏa thuận hợp tác. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/2 tiếp Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades tại dinh thự riêng ở ngoại ô Moscow. Kết thúc cuộc gặp, hai nguyên thủ cùng quan chức đôi bên đạt được một số thỏa thuận có ý nghĩa về quốc phòng, quân sự.

Síp cho phép các tàu chiến Nga, tham gia nỗ lực chống khủng bố quốc tế và hải tặc, ra vào các quân cảng của Cộng hòa Síp theo thủ tục được đơn giản hóa. Ngoài ra, có khả năng Nga sẽ sử dụng một căn cứ không quân tại Síp để phục vụ các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Việc căng thẳng giữa Nga và phương Tây quanh khủng hoảng ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng như tầm quan trọng của quốc đảo Síp khiến những điều khoản mới được hai nước thông qua lần này thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Síp nằm tại vị trí chiến lược ở phía đông Địa Trung Hải, từ lâu đã là nguồn cơn của xung đột giữa phương Đông và phương Tây. Vị trí đặc biệt của hòn đảo khiến nó trở thành một phần trọng yếu của bất kỳ động thái an ninh nào trong khu vực.

Síp không phải là thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng lại là nhân tố có tính chất quyết định trong các hoạt động của liên minh Địa Trung Hải. Nó đóng vai trò trung tâm đối với các chiến lược can thiệp khu vực Levant, ngã tư giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi của NATO.

Anh cũng rất coi trọng Síp, nhìn nhận đảo quốc này như một đồng minh không thể thiếu giúp họ duy trì kiểm soát tại các vùng biển thuộc Địa Trung Hải.

Dấu hiệu chia rẽ

Cyprus-6668-1425102702.jpg

Quốc đảo Síp (Cyprus) nắm giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: Stratfor

Timothy Ash, nhà phân tích các thị trường mới nổi của Ngân hàng Standard, đánh giá cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ Nga và Síp là “rất đáng chú ý” đồng thời cảnh báo bước biến chuyển này sẽ gây ra không ít “khó khăn cũng như rủi ro” cho châu Âu và Mỹ.

“Đây là một cách quảng bá khác của Putin, sau chuyến thăm Budapest vào tuần trước, nơi các thỏa thuận về năng lượng được ký kết”, CNBCdẫn lời ông Ash nói.

“Tôi nghĩ thông điệp mà Putin muốn gửi tới Washington và Berlin đã rõ: chúng tôi có đồng minh ngay trong lòng Liên minh châu Âu (EU), và chúng tôi sẽ tận dụng những mối giao hảo đó để chống lại tất cả các lệnh trừng phạt liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine”, ông Ash cho biết thêm.

Theo tiến sĩ James Ker-Lindsay, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Kinh tế London, mối quan hệ có chiều hướng khăng khít hơn giữa Nga và Síp là dấu hiệu cho thấy EU “đang bị chia rẽ”, tình đoàn kết trong khối đang rạn nứt.

Bên cạnh Síp, Nga còn tranh thủ sự ủng hộ từ một số quốc gia châu Âu khác như Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ bằng một dự án đường ống khí đốt mới.

Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Panagiotis Lafazanis cho hay nước này hoàn toàn phản đối những lệnh cấm vận mà Nga đang phải chịu, Athens không hề mong muốn áp trừng phạt lên Moscow.

Ngoài ra, tướng Chuck Wald, cựu phó chỉ huy Không quân Mỹ, cho rằng việc tàu Nga có thể dễ dàng ra vào các quân cảng ở Síp sẽ giúp Tổng thống Putin thu thập nhiều thông tin tình báo giá trị. Moscow sẽ “quan sát mọi động thái của Anh”, ông nhấn mạnh, liên hệ tới Akrotiri và Dhekelia, hai vùng căn cứ  thuộc chủ quyền Anh với 8.000 quân, chiếm 3% diện tích đảo Síp.

Căn cứ Akrotiri giữ vai trò then chốt đối với các nhiệm vụ tại vùng Trung Đông của Anh bởi nó là nơi các chiến đấu cơ nước này tiêp nhiên liệu trong các lần không kích nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Ông Fraser Nelson từ Telegraph còn nghi ngờ trong tương lai Síp có khả năng trở thành một trung tâm quân sự cho cả Nga và Anh. Ông gọi đây là “một tình thế bất thường”.

Sự cân bằng tinh tế

Gần đây, mối quan tâm về lợi ích an ninh của Moscow đối với Síp ngày càng tăng bởi những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ở Syria có thể sẽ đe dọa tới sự an toàn của Tartus, cảng biển duy nhất Nga sở hữu ở Địa Trung Hải.

Nga luôn mong muốn được tiếp cận các cơ sở hạ tầng không quân và hải quân của Síp nhưng đảo quốc này hiểu rằng việc cho phép Moscow toàn quyền sử dụng các cơ sở quân sự của họ sẽ khiến mối quan hệ với các đồng minh phương Tây gặp rắc rối. Vì thế, Síp chỉ đồng ý để Nga sử dụng những phương tiện của mình trong các trường hợp khẩn cấp.

Thỏa thuận quân sự ký kết hôm 25/2 phần nào thể hiện sự cẩn trọng của Síp trong những nhượng bộ đối với Moscow, mạng tin tình báo chiến lược Stratfor, Mỹ, bình luận.

Síp từ năm 1974 đã bị chia rẽ thành hai bộ phận người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền người Síp gốc Hy Lạp ở thủ đô Nicosia khá căng thẳng trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và cần đến sự hậu thuẫn từ cả Mỹ và Nga để hoàn thành sứ mệnh hợp nhất quốc gia theo hướng có lợi cho những người Síp gốc Hy Lạp.

Síp hiện hy vọng Mỹ sẽ gây thêm áp lực để ngăn chặn hải quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Duy trì mối quan hệ vừa phải với Nga là một trong những cách giúp Síp gửi tín hiệu thúc giục Mỹ tăng cường hỗ trợ chính trị đối với họ. Chuyến thăm của Tổng thống Anastasiades tới Nga cần được hiểu như một “hành động cân bằng” của Síp, theo Stratfor.

Trong khi đó, Nga lại muốn Síp gây sức ép để EU gỡ bỏ những trừng phạt đối với Moscow. Nắm rõ Síp không phải là một nhân tố có tiếng nói đặc biệt ở EU nên Nga dùng số đông. Trong những tháng gần đây Kremlin đang ra sức thuyết phục nhiều đối tác EU trong khu vực lên tiếng phản đối, hoặc ít nhất dịu giọng trước những lệnh trừng phạt mà Nga phải chịu, liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine. Và Síp mang ý nghĩa như thế trong chiến lược của Moscow.

Đến nay, những nước đi mà Nga thực hiện đang phát huy tác dụng. Để áp trừng phạt, EU cần sự nhất trí cao của các thành viên. Tuy nhiên, tới nay, sự thống nhất đó đang bị lung lay khi Hy Lạp, Síp và Hungary liên tục chỉ trích các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow.

Nga sẽ có cơ hội thử nghiệm tính hiệu quả của chiến lược tranh thủ ủng hộ trong thời gian sắp tới khi vòng trừng phạt đầu tiên của EU đối với Moscow hết hiệu lực trong tháng ba này. Để làm mới các lệnh trừng phạt, châu Âu một lần nữa cần tới sự đồng nhất ý kiến của các thành viên.

80882772-rusnavydockafp-1595-1425102702.

Tàu chống máy bay chiến đấu Nga cập cảng Limassol của Síp vào năm 2013. Ảnh: AFP

https://phanlong.net/

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]